Quản lý đào tạo Hotline: 02973.814.946

Cần sớm phân luồng dạy nghề

(18/04/2014)

"Luật sửa đổi lần này sẽ đổi mới chính sách đối với người học nghề, nhà giáo dạy nghề, cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp, nhằm thu hút người học, tạo động lực cho nhà giáo dạy nghề, khuyến khích các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp tham gia dạy nghề"- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh khi trình bày dự thảo Luật dạy nghề (sửa đổi) tại phiên họp thứ 27 Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa qua.
 

15.4Bo truong HC.jpg
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trình bày dự án luật tại phiên họp
 
 
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
 
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: "Mục tiêu của lần sửa đổi luật lần này nhằm khắc phục những bất cập liên quan đến học nghề, dạy nghề và cả cơ sở đào tạo, đồng thời khẳng định vị thế của dạy nghề như một trong 2 trụ cột cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới. Các quy định mới trong dự luật đều hướng tới phát triển hệ thống dạy nghề mở, linh hoạt, đa dạng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa".
Trình bày cụ thể về những điểm sửa đổi, bổ sung, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Luật dạy nghề sửa đổi sẽ đa dạng hóa hình thức và tổ chức đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người học có cơ hội lựa chọn phương thức học tập phù hợp với năng lực, điều kiện cá nhân và học tập suốt đời; đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình dạy nghề, cách thức đánh giá người học; đổi mới các chuẩn đảm bảo chất lượng dạy, nghề và kiểm định chất lượng dạy nghề, đặc biệt là công nhận văn bằng, chứng chỉ nghề; đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động...
 
Đáng chú ý, Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định Nhà nước thực hiện cơ chế đấu thầu đặt hàng dạy nghề đối với cơ sở dạy nghề, hoặc doanh nghiệp. Việc đấu thầu, đặt hàng dạy nghề được thực hiện theo nhu cầu sử dụng lao động ở những nghề đặc thù, nghề thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn; nghề thị trường lao động có nhu cầu nhưng khó thực hiện xã hội hóa, do các bộ, các địa phương quyết định.
 
Khắc phục tình trạng thừa thầy thiếu thợ
 
Góp ý Dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề cập tới việc đầu tư vào nghề trọng điểm quốc gia. Nghiên cứu kỹ danh mục nghề trọng điểm quốc gia theo quyết định của Bộ LĐ-TB&XH. Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh: "Không thể có đến 112 nghề trọng điểm quốc gia. Đề nghị rà soát lại toàn bộ nghề trọng điểm quốc gia  và đề  nghị có một điều luật cụ thể về tiêu chí nghề trọng điểm quốc gia, nếu không sẽ phân tán nguôn lực đầu tư". Bà Trương Thị Mai nêu quan điểm và đề nghị Ban soạn thảo làm rõ các chính sách sửa đổi trong Dự thảo luật có góp phần tạo ra bước đột phá cho nguồn nhân lực trong 5-10 năm tới hay không? Đồng thời, đề nghị phải đưa vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là mục tiêu hàng đầu đối với việc sửa đổi lần này.
 
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bày tỏ băn khoăn: Dự thảo luật chưa đề cập đến những giải pháp giải quyết những vấn đề đang diễn ra trong thực tế.  Đó là tình huống người có bằng đại học rồi quay lại chọn học cao đẳng, trung cấp nghề; hay thực trạng nhiều người đã có trình độ đào tạo lao động trong nước, nhưng khi làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài thì họ phải đào tạo lại.
 
Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cũng lo ngại về chất lượng dạy nghề hiện nay. Ông đề cập đến tâm lý "sính bằng cấp" khi phần lớn học sinh tốt nghiệp phổ thông chọn thi đại học, chỉ có khoảng 10% học sinh chọn đi học nghề. Từ đó, ông đề nghị Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền làm rõ luật sửa đổi sẽ quy định như thế nào để thu hút học sinh học nghề, khắc phục tình trạng thừa thầy thiếu thợ?
 
Theo chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, hiện nay có tình trạng trường công nhân kỹ thuật cố gắng nâng lên thành trung cấp rồi cao đẳng, đại học. Cuối cùng mục tiêu của chúng ta là đào tạo công nhân lành nghề lại trở thành đào tạo thầy, lẫn lộn giữa đào tạo thầy và thợ. Ông Hiển phát biểu: "Cần quy định chặt chẽ, đào tạo nghề là đào tạo nghề. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh".
 
Làm rõ những băn khoăn trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nói: "Hiện người tốt nghiệp đại học nếu cần biết sâu một nghề thì phải học thêm, vì thế mới có hiện tượng một người có 2-3 bằng. Nguyên nhân của thừa thầy, thiếu thợ là vấn đề của cả xã hội chứ không chỉ riêng ngành nghề, lĩnh vực nào. Tuy nhiên, ngay bản thân hệ thống dạy nghề cũng phải đổi mới, hấp dẫn được thanh niên học nghề"."Trong dự luật sửa đổi lần này, Bộ LĐ-TB&XH có kiến nghị phân luồng, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp cấp 2 là có thể đi học nghề; đồng thời kiến nghị ngân sách nhà nước dành 1 phần kinh phí cho công tác đào tạo nghề" - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền giải thích.
 
Phân tích về tình trạng thừa thầy, thiếu thợ ở nước ta hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Công tác định hướng, tổ chức quản lý của ta đều có nhưng lại chưa làm. Việc cho mở quá nhiều trường đại học, tăng chỉ tiêu tuyển sinh thì học sinh sẽ vào đó chứ không vào trường dạy nghề. Ở Hàn Quốc, những năm 80 họ đã tương đương với trình độ phát triển của nước ta hiện nay. Nhưng cứ 1 người trình độ đại học thì họ có 5 người trình độ trung cấp, 25 công nhân kỹ thuật. Nghĩa là cứ 1 kỹ sư thì có 25 công nhân lành nghề. Còn ở nước ta, 1 đại học lại chưa được 1 công nhân kỹ thuật.
 
Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng tình việc Ban soạn thảo đề án bổ sung những yêu cầu của các đại biểu để trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5 tới.
 
 
Nguồn: Báo LĐXH

Tin bài liên quan
(_page 1 _in 20)    1 2 3 4 >>>
+ Xem tất cả
Học Cao đẳng theo Chương trình 9+
Khai Giảng Năm Học 2022-2023
Người phát ngôn
ThS. Hồ Thu Hằng
Phó Hiệu Trưởng
0917488484
hthang@caodangnghekg.edu.vn